Chẳng còn ý niệm ngày tháng. Thói quen nhìn trăng tôi cũng bỏ quên ở đâu đó – tự lúc nào không nhớ. Đêm đêm, vật vã bên vết thương lòng, ngoài kia trăng tròn hay méo cũng không biết.

Một tình yêu chưa… tròn

Khủng hoảng bắt đầu từ một mùa xuân, tôi vô tình phát hiện anh trốn hai mẹ con đưa nhân tình đi ngao du sơn thuỷ. Tôi biết cô bé này, xưa là học trò, nghe bảo từng vô phố lấy chồng nhưng chưa tròn tháng đã ly hôn. Nhiều người bảo anh bồng bột nhưng tôi dù rất nhiều lần đem bộ não bỏ dưới đầu gối thì lần này cũng dùng lí trí giải mã được nguyên do sự bội bạc.

Thử hỏi: tôi – cô vợ bốn mươi mới đi cắt bỏ cổ tử cung với đằng kia, cô bé hai lăm với cặp mông săn chắc và làn da mềm mịn như sữa thì dại gì không thêm vào? Đặc biệt nhất là tướng đi, cái kiểu lắc bụng và đánh hông mê hoặc – đây không phải là tiểu tiết có thể ngơ đi được trong đại cục đổi vai này.

Sau trận rong huyết kéo dài đó, sức khoẻ, nhan sắc tôi đã bị thu hồi phân nửa. Những ngày còn thân ái, anh thường trêu, trông tôi bệ rạc như món hàng cần thanh lý. Tôi chỉ nhoẻn miệng cười vì nghĩ đó là câu đùa hoàn toàn không ẩn ý gì khác ngoài sự yêu thương quá mức.

Lo giữ thể diện cho chồng, cho mình hay vì bản tính khiếp nhược đã tạo nên sự ngậm ngùi hèn hạ. Không rõ nữa. Mà không phải. Đó là những lý do phụ thôi. Chính xác tôi sợ điều bí mật động trời kia sẽ lộ tẩy, và như thế thì hết đường cứu vãn. Tôi – với căn bệnh động kinh mãn tính, ọp ẹp một cách thê thảm, con trai lại còn nhỏ quá. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi bỏ điều tồi tệ chọn điều… xấu. Vậy là chấp nhận thương đau, lặng lẽ làm mẹ, làm vợ.

Hôn nhân không còn tình yêu, vợ chồng y như hai kẻ thù đang đội chung một vòm trời hẹp. Ngày xưa đi đứng, ăn gì, nói gì, cười với ai anh đều xấn tới ghen ào. Nhiều lúc mất mặt, ước ngu ngu giá anh bớt yêu vợ một chút. Điều ước “ngu ngu” ai ngờ đã thành tựu. Anh bây giờ chẳng những bớt yêu vợ mà còn yêu thêm một người khác. Hôn nhân có người thứ ba, cuộc sống tệ hơn ở tầng thứ mười tám của địa ngục. Điều khủng khiếp nhất của kiếp đàn bà là ghen có… địa chỉ.

Đau khổ, suy sụp. Nhà chỉ còn hai mẹ con. Thứ duy nhất chứng tỏ tôi còn tồn tại là trách nhiệm với con trai.

Đêm đó tôi lại không ngủ được, lại xem ti vi và trông chờ tiếng xe quen thuộc. Xe dừng ở cửa, tôi nhào ra, nhanh như lốc. Không có gì mới, anh lại về trong tư thế xộc xệch. Nhìn bộ dạng ấy, trong đầu tôi không có một ý nghĩ nào khác, dù đã cố nghĩ khác thì cái ý nghĩ vừa đi “ chim chuột” ở đâu về vẫn thắng áp đảo.

Không phải nghi ngờ gì nữa. Hoàn toàn chính xác. Một sợi tóc hơi xoăn vàng sót lại trên lưng áo. Đau không chịu nổi. Biết là biết vậy, đã lập trình chỉ còn cách chấp nhận nhưng rất khó đối diện với sự thật đắng cay. Tức điên. Vợ còn sống sờ sờ ra đây mà! Tôi muốn bổ ào một đấm vào tấm lưng hư hỏng ấy cho vỡ, cho nát vụn ra mới hả. Nghĩ thôi, chưa dám manh động thì chồng nói như ra lệnh:

– Vào coi cái này!

Theo anh vào trong, mở máy tính ra. Trước mặt là tờ thoả thuận ly hôn và thoả thuận chia tài sản được soạn thảo kỹ càng. Sững sờ đến đờ người ra. Bên dưới có ghi ngày soạn cách đây một năm. “À! Anh đã muốn ly hôn thật lâu rồi, sao không xoá ngày soạn văn bản thật ở bên dưới? Hình như anh thích làm em đau đến không chịu nổi?!”. Đưa tay lau giọt nước đang ứ ở mi, đau đến tắt tiếng. Lỗi của sự chủ quan và lòng tin tuyệt đối là khi chuyện bất ngờ đến, trở tay không kịp. Khỏi phải nói, tôi bị sốc một vố chí mạng.

Anh đơn phương đem đơn ly hôn đi nộp khi tôi kiên quyết không ký. Đến nước này thì sự đã thành vấn đề công khai. Người ta xúi tôi đi tuột quần cào mặt. Không. Tôi đủ tự trọng để không làm chuyện ruồi bu như thế. Tan tành hết trơn rồi. Tôi việc gì phải làm đấu sĩ ngu ngốc, cố lao vào đấm vỡ mồm đối thủ để nhận về chiến lợi phẩm là một món hàng phế thải, chẳng biết làm gì.

Tình yêu chúng tôi bắt đầu từ một đêm trăng tròn và kết thúc vào mùa trăng khuyết. Trăng tàn, tình tan.

Rằm tháng Giêng

Tôi có thể là người vợ không tốt nhưng thề với trời, tôi sẽ là người mẹ tốt. Sau ly hôn, tôi toàn tâm toàn ý với bản năng làm mẹ. Suy sụp, ủ ê mãi nếu rủi mang bệnh rồi chết thì con trai biết trông vào đâu. Nghĩ vậy rồi đứng lên, thẳng thớm.

Trối chết lao vào công việc. Cuộc sống bận rộn đã không còn nhiều chỗ cho quá khứ tồi tàn hay đã chai sạn với nỗi ê chề tới mức vô cảm? Có lần bất chợt nhìn thấy trong mớ sách cũ có tấm ảnh ngày còn thân ái, tôi lấy ra nhìn rồi cất lại, không còn cái cảm giác tức điên, muốn xày giéo, đốt bỏ kỷ niệm nữa. Kỷ niệm không có tội. Quá khứ không có lỗi. Nỗi buồn cũng giống như một ngày ngủ dậy thấy cổ bị niểng vậy. Ban đầu khó chịu, không nghoảnh không ngó được nhưng có một ngày ngủ dậy bỗng hết đau hồi nào không hay biết.

Khi nỗi buồn qua đi, trong tôi còn lại sự trống rỗng.

Một mình lội dưới trăng. Trảng cỏ, gió, cây, hương hoa dại – mọi thứ đong đưa, quyện chặt vào nhau. Bình yên quá. Nhưng lòng bị khuấy đảo. Không thể dừng được giọt nước đang bắn ra từ mắt.

Tôi cũng không hiểu nổi mình. Nuối tiếc quá khứ, sầu thảm lắt lay? Mơ đi. Không bao giờ. Lạc quan tương lai? Xa xỉ. Tóm lại không có bất cứ ý niệm gì. Cuộc đời có gì vui để buồn. Đây là điển hình của nghị lực tuyệt vọng. Đêm nào tôi cũng bước ra hiên, ngồi ôm gối. Tôi bị tiêm nhiễm và đóng khung mình ở dạng bất biến, tôi đang sống bằng tập quán của một con ốc. Sự xảo trá, bội bạc của tình đầu đã làm chết cảm hứng với đàn ông, với cuộc sống.

Hình như gần năm năm. Năm năm là một khái niệm không đơn giản. Thời gian đủ dài để đắp tang cho một cuộc tình.

Buông bỏ nhiều thứ nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ trăng.

Không muốn lãng phí thời gian hữu hạn cho đau buồn nữa. Chính xác là không thể thực hiện hoá giấc mơ lãng mạn quá khứ nên sẽ liều dấn thân vào cám dỗ hiện tại – dù là ở mức phôi thai.

Một người anh cùng xóm, cùng trường, cùng sở thích (tôi gọi “ba cùng”) rủ đi nghe đêm thơ nguyên tiêu. Thơ hả? Giấc mơ thiếu thời á! Tôi xênh xang phấn son váy áo đi nghe thơ.

Đến sớm. Ngồi bên cấp đá, hướng mắt về biển. Gió, trăng, sóng. Mọi thứ hoà hợp tuyệt đối. Nhưng không gian hoàn hảo ấy lâu lâu cũng bị chỏi vì tiếng hét loạn đả của một số thanh niên tụ tập ngoài mấy gốc cây đùa giỡn lố. Nhưng tôi không lấy làm khó chịu – hình như mùa xuân có sứ mệnh làm con người ta bao dung hơn.

Đêm thơ bắt đầu. Bài thơ mở màn tạm ổn chứ không xuất sắc. Hô cổ động và kèm theo lời rao giảng đạo đức, kết bài là cách gieo từ liên tiếp để thể hiện một triết lý. Thơ này hơi cũ nhưng có cảm xúc. Tóm lại, mở màn ổn nhưng không ấn tượng lắm.

Một chiếc áo đỏ đô xuất hiện, Anh tự đọc thơ mình. Tôi thích bài này. Mới, lạ.

Tôi liền đưa tay vỗ. Ông anh “ba cùng” liền khoe ông cậu vừa đọc thơ, con bà ngoại thứ. Nói xong liền ra đằng sau khán đài cầm tay kéo ào ông cậu nhà thơ lại. Ổng làm như đàn bà bị chồng bỏ là điều bất hạnh gì đó khủng khiếp cần phải được bù sớt (bằng đàn ông). Tôi hơi ngỡ ngàng.

Ôi trời, cậu cháu sao nhìn giống anh em sinh đôi dữ. Ừ giống, “tui” sợ có ngày mình nhầm cậu với “bạn” mà ôm chầm ngoài đường. Ông anh “ba cùng” đưa mắt nheo, ý hỏi tôi chắc là rất ưng nhà thơ cậu nên chưa chi đã “thả thính”. Tôi cười nhạt, hàm ý đùa cho vui chứ có cho kẹo cũng không dám rớ vô, nhà thơ là những nhà đi tìm sự cầu toàn mà cuộc đời vốn bất toàn. Tôi nghĩ mình không hợp.

Tối hôm sau, mười sáu tháng Giêng, trăng đẹp mê hoặc.

Ba người – tôi, anh đồng nghiệp “ba cùng” và ông thi sĩ cậu đi uống cà phê. Chẳng có lý do gì để từ chối lời mời thứ hai. Chủ trương thêm bạn bớt thù nên sửa sang đẹp đẽ đi “ba la ba la…”.

Bị vợ bỏ hả? Trời, đúng là cuộc đời này chuyện gì cũng có thể. Thật khó tìm một lý do để trừ điểm người đàn ông này. Năm mươi tuổi nhưng nhìn vẻ ngoài đố ai đoán được tuổi. Lại thêm khả năng nói một hiểu một, không cần giải thích nhiều. Giọng anh mềm mỏng, nói chuyện dí dỏm, thông minh. Tóm lại tôi có phần bị khớp. Kiểu đàn ông này dễ khiến người phụ nữ ngồi bên mất bình tĩnh lắm. Tim bất ngờ vã mồ hôi. Tôi hít mạnh, thở sâu. Không được lạc lòng.

Loáng cái đã chín giờ đêm. Chúng tôi về. Trăng tháng Giêng lên cao. Long lanh, tràn trề dịu mát.

Tháng Giêng. Tháng của sự khởi đầu – tôi nghĩ vậy rồi tự cười mình “hồ đồ”. Nhưng chắc là không sao, trước khi bắt đầu một “cuộc chiến”, ta cũng nên lạc quan một chút cho tự tin đúng không bạn?