Tháng 11, tháng của nắng và sương lạnh, tháng của những đợt gió khô thổi héo hắt cả miền đất đỏ Tây Nguyên. Ngồi ngẩn ngơ trong một chiều rảnh rỗi, tôi chợt nhận ra những chùm trái sai trĩu của cây sầu riêng trước ngõ đã biến mất mà thay vào đó là những cái cuống khô quắt, đìu hiu, lặng lẽ trước nắng vàng. Nhưng không, phía sau chùm lá rậm rạp kia vẫn còn sót lại một trái sầu riêng nhỏ xíu núp mình sau tán lá như chú bé con núp sau lưng mẹ, bẽn lẽn và đầy sợ sệt.

Không hiểu vì sao mà đến giờ trái sầu riêng này vẫn chưa chịu rụng nhỉ? Tôi tự đặt câu hỏi cho mình và cũng tự đưa ra câu trả lời: chắc nó ra hoa muộn nên còn non, hay nó bị sâu bệnh gì đó nên mới “cá biệt” so với những trái sầu riêng khác như vậy. Nhưng nhìn trái sầu riêng “khác thường” ấy mãi, đến một lúc tôi chợt nghĩ: sao tôi chưa tìm hiểu gì mà đã vội quy chụp là nó “cá biệt”?

Trái sầu riêng ấy bé nhỏ nhưng không cô độc, vì nó còn có mẹ cây che chở, tuy nhỏ nhưng nó cũng là kết tinh chất dinh dưỡng có từ cây mẹ. Nó cũng như bao anh chị sầu riêng khác nhưng lại thơm ngon một cách lạ thường mà hương vị đó không phải ai cũng cảm nhận được.

Liên tưởng đến cuộc sống của con người, đôi khi ta có thể bắt gặp những trái sầu riêng cô đơn như thế. Những người “khác biệt”, hay nói đúng hơn, họ có những quan điểm, suy nghĩ, hành động, phong cách sống khác với đám đông còn lại. Trong số những người tôi quen, có một cậu bạn như vậy. Cách đây một tháng, cô giáo dạy môn Reading của chúng tôi đưa ra một câu hỏi yêu cầu cả lớp trả lời.

Trong khi cả lớp cứ khăng khăng chọn đáp án mà ai cũng cho là đúng thì cậu ấy lại bảo sai và kiên quyết giữ ý kiến của mình. Mặc cho những ánh mắt khó chịu, không đồng tình cậu bạn ấy vẫn giữ vững ý mình. Đến phút cuối cùng thì hoá ra cậu đã đúng, còn chúng tôi sai. Điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều.

Tôi nhận ra rằng: những người có lối suy nghĩ khác biệt, độc đáo, đi những con đường chưa ai đi, viết những gì chưa ai viết thì thường thành công. Những nhà tỉ phú hay nhà khoa khoa học trên thế giới, theo tôi biết, họ rất khác người, cách suy nghĩ của họ lắm khi không giống ai nhưng chính những con người đó với bản lĩnh và tri thức của mình đã làm thay đổi cả thế giới.

Mỗi con người chúng ta, từ khi sinh ra đã được gắn kết với một đám đông nhất định. Ta coi đó như một chỗ dựa để bước vào đời, do vậy ít khi dám làm những điều trái với đám đông đó. Đơn giản vì sợ mình “khác người”, sợ bị tẩy chay. Có người cảm thấy cô độc, yếu đuối nên cần có một cái gì đó để bấu víu, nương tựa. Ít người dám bứt ra khỏi đám đông ấy để làm đúng những gì mình suy nghĩ, mình thích. Đôi khi, ta cứ cố sức chạy theo cái đám đông ấy mà quên đi giá trị của bản thân mình.

Ta sợ rằng nếu không có đám đông kia thì mình sẽ chẳng làm nổi chuyện gì, sẽ chẳng còn ai ủng hộ. Có những bạn trẻ ngày nay, đăng một tấm hình hoặc một vài dòng trạng thái lên mạng xã hội rồi suốt ngày chầu chực trên đó để chờ mọi người “Like” hay “comment”. Hiệu ứng đám đông thời di động đã chi phối cuộc sống con người đến như vậy.

Đừng quên rằng, mỗi con người chỉ có một cuộc đời, ta chỉ sống có một lần mà thôi, vậy tại sao không biến cuộc sống mình thật thú vị và khác biệt? Hãy làm những gì mình thích và mình cho là đúng, dĩ nhiên, đừng đi quá xa so với những chuẩn mực xã hội và truyền thống dân tộc từ bao đời. Tự hỏi- ta có dám nghĩ và dám sống để khẳng định mình như trái sầu riêng “bé hạt tiêu” kia chưa?