Mồng bốn Tết. Cúng tiễn ông bà xong mẹ vội vã thay bộ đồ lao động, bươn ngay ra đồng. Lúa xuân lên tốt bời bời; nhưng còn “bời bời” hơn chính là lũ cỏ. Cỏ tượng, cỏ chát, cỏ bắp và vân vân. Mấy đám ruộng gò nước lắp xắp lúc có lúc không mọc lên toàn cỏ! Tất tả về nhà, mẹ hét: con Ba, con Tư đâu, theo tao ra đồng mau lên; không cỏ nó “ăn” hết lúa…
Chị Ba, chị Tư cự nự: mới mồng bốn đã bắt đi nhổ cỏ, còn tết mà. Mẹ tỉnh bơ: bây có ăn cỏ được như bò không? Ăn được thì cứ ở nhà chơi Tết cho đã, mơi mốt ra ruộng cắt cỏ về nhai. Hai chị “tắt đài” im re, cun cút thay đồ theo mẹ ra đồng với bộ mặt đầy u ám. Phải, mới mồng bốn tết, vẫn còn lác đác người đi chơi xuân muộn.
Bàn thờ còn mâm ngũ quả. Cây nêu chưa hạ ngoài ngõ vẫn treo lủng lẳng chiếc đèn dầu thắp sáng đêm đêm. Không khí tết còn đang tràn trề mà bắt phải ra đồng thì quả thực “đau lòng cò con”. Nhưng lệnh mẹ rất nghiêm. Với lại- dù có ham chơi cỡ nào thì các chị cũng hiểu ra cái lý giản đơn: người không thể ăn cỏ như bò.
Tôi ham vui xin theo. Chị Tư hét: mầy theo đặng… giẫm lúa na? Cái thân sợ đau lưng mà nhổ cỏ gì? Chị Tư nói không sai, nhưng tính tôi cứ thích loăng quăng theo mẹ theo chị cho có… bầy đàn. Ra đồng mát mẻ thảnh thơi; ở nhà một mình chán lắm. Mẹ dàn hoà: thôi cho nó theo đặng học việc; mơi mốt lớn biết làm ăn. Tôi đắc ý nhảy tưng tưng, còn lè lưỡi trêu vụng chị Tư đang khoặm mặt nhìn tôi. Trêu tới lúc chị nhịn không nổi cũng phải bật cười.
Nhổ cỏ ruộng không khó, có điều rất chán. Một công việc đầy đơn điệu, mệt mỏi. Giờ tôi mới biết phục sự nhẫn nại của mẹ. Chổng mông cúi gập người lia lịa tay quơ cỏ, mẹ hầu như rất ít khi đứng thẳng dậy cho đỡ mỏi lưng. Chị Ba, chị Tư theo được nửa đường mẹ cũng gọi là ngon. Chỉ có tôi là… vô cùng tệ! Khom chưa được nửa phút tôi đã dõng lưng thẳng người nhìn đông nhìn tây, miệng còn tía lia đủ chuyện đất hỡi trời ơi khiến chị Tư bực hét bảo im.
Nói nhiều làm ít, nhổ gần ngót buổi mà vạt lúa phần tôi nhổ xong mới chỉ rộng chừng hơn chiếc chiếu. Đã vậy, đôi khi còn lơ đễnh: cỏ không nhổ lại đi nhổ béng… vài cây lúa khiến mẹ phải kêu trời! Kiềng riềng mãi mà cái nghiệp vụ… nhổ cỏ của tôi vẫn coi mòi không thể khả quan, mẹ phát chán, đuổi tôi lên bờ, giao cho cái liềm, sai ôm cỏ nhổ được đem hớt bỏ gốc dồn bao mang về cho bò. À, vụ này thì coi bộ có khá hơn, dù gì cũng được đi lại loăng quăng, không phải đứng chết gí một chỗ cả buổi bắt chán.
Tôi hớn hở ôm từng ôm cỏ mẹ với các chị vừa nhổ bì bõm lội vô bờ, soàn soạt cắt gốc bỏ bao. Thứ cỏ nhổ ruộng này được ăn phân uống nước no nê; thêm được vỗ về bởi ấm áp tiết xuân nên đã mềm ngọt lại thơm, mang về lũ bò khoái phải biết! Roẹt roẹt loáng cái- bao mới được chừng phần ba cỏ ruộng nhà đã hết. Nhìn sang ruộng dì Tám, cô Ba, chú Sáu cạnh bên mọi người cũng đang cắm cúi nhổ cỏ.
Từng đống cỏ nghễu nghện chất đống. Nhà chú Sáu không nuôi bò; luôn cả dì Tám, cô Ba…. Phải rồi, sao mình không nghĩ ra ta?? Tôi cắm cổ chạy bay sang ruộng chú và dì cô, miệng ơi ới: chú Sáu, cô Ba, dì Tám ơi, cho con xin cỏ zìa cho bò hen? Chú với dì, cô tuần tự dừng tay, ngẩng lên cười, gật. Tôi hớn hở nai lưng ôm từng ôm cỏ mùa xuân mềm múp đem lên bờ chổng mông hớt gốc. Cái bao cỏ giờ đã phồng căng, chật cứng khiến con bé con tôi lặc lè mắm môi mắm lợi mới có thể lôi đi.
Cuối buổi lên bờ, mẹ hân hoan nhìn bao cỏ căng tràn, nở nụ cười tươi: bữa nay công con Út là to nhất á! Tôi nghe đắc chí, quay lại nháy mắt lè lưỡi trêu tức chị Tư. Chị- như thường lệ- lại khoặm mặt nhìn tôi; có điều mắt chị nheo nheo, lấp lánh những tia tinh nghịch như cười…