Đây là vị công tử người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng và cũng là người miền Tây đầu tiên đi chiếc Chevrolet chưa ai có ở Nam Kỳ lúc bấy giờ.

Những năm 30,40 của thế kỷ XX, khắp miền Nam, ai ai cũng biết đến sự ăn chơi xa xỉ, táo bạo của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Trần Trinh Huy (1900-1974) ngoài tên Công tử Bạc Liêu còn được gọi bằng nhiều tên khác như Ba Huy, Hắc công tử.

Để mường tượng về độ giàu có và chịu chi của công tử Bạc Liêu, người xưa hay nói rằng: “ Vua Bảo Đại có thứ gì thì công tử Bạc Liêu có cái đó, nhưng công tử Bạc Liêu có thứ gì thì chưa chắc Vua Bảo Đại đã có”. Những câu chuyện về vị công tử này luôn khiến người đời sửng sốt.

Gia cảnh không có gì ngoài tiền

Trần Trinh Huy là con trai ông Trần Trinh Trạch và bà Phan Thị Muồi, con gái bá hộ Phan Văn Bì – người có ruộng đất nhiều nhất tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ. Ông bá hộ Phan Văn Bì khi ấy còn được người ta gọi là “Vua lúa gạo Nam Kỳ”.

370767988_687674106124323_2221568318083103060_n

Ông Trần Trinh Trạch (cha của Công tử Bạc Liêu) sau khi được nhà vợ chia ruộng đất, ông lấy làm vốn cho vay nặng lãi, chuyên cầm cố đất của những công tử nhà giàu ăn chơi ham mê cờ bạc. Bên cạnh đó, ông còn quan hệ tốt với người Pháp nên được ưu tiên mua nhiều ruộng đất tốt, gia sản chẳng mấy chốc mà tăng vù vù.

Ông được xếp vào hàng “đại phú” bậc nhất miền Nam. Lúc đỉnh cao nhất, Trần Trinh Trạch sở hữu 74 sở điền với 110.000ha đất trồng lúa và gần 100.000ha ruộng muối, tỉnh Bạc Liêu có 13 lô ruộng muối thì ông Trạch chiếm tới 11 lô.

Sau đó, ông bỏ vốn đầu tư sang lĩnh vực ngân hàng và trở thành đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam (năm 1927) – Ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành, ông làm Chánh hội trưởng. Cùng thời gian đó, ông tham gia Hội đồng tư mật Nam kỳ và được người dân gọi với biệt danh là ông Hội đồng Trạch.

Khi đã có tiền của, ông Trần Trinh Trạch xây dựng một khu biệt thự sang trọng và to lớn nhất ở thị trấn Bạc Liêu do một kỹ sư người Pháp thiết kế. Toàn bộ vật liệu xây dựng được chở từ Pháp sang. Các thiết bị trang trí nội thất được đặt mua từ Mỹ, Ý, và Trung Quốc.

370321304_976723516723969_7661815799670263162_n

Căn nhà của Ông Trần Trinh Trạch, hiện tại là Khách sạn “Công Tử Bạc Liêu”

Ông Trạch có 7 người con, 4 gái, 3 trai. Trong 3 người con trai của ông Trạch, Trần Trinh Huy là người có học và bản lĩnh hơn cả, được ông chọn làm người kế nghiệp. Một sự lựa chọn làm ông Trạch rất đỗi tự hào khi ấy, nhưng ông không thể ngờ rằng, cậu con trai này đã làm cho sản nghiệp mà ông dày công gây dựng nhanh chóng bị đổ sông đổ bể.

Núi vàng tiêu tan, kết cục bi đát

Tài liệu nói về Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy trong cuốn Công tử Bạc Liêu có nhắc đến việc lúc sinh thời, ông đã “tiêu giúp” cha mẹ đến 5 tấn vàng. Số tiền ấy được ném vào các cuộc ăn chơi trác táng, phung phí.

Lúc bấy giờ, Việt Nam chỉ có hai chiếc máy bay, một cái thuộc sở hữu của Trần Trinh Huy, cái còn lại của vua Bảo Đại. Tuy nhiên, tiền sắm máy bay của vua Bảo Đại lấy từ tiền ngân khố, nên tính ra người Việt đầu tiên sở hữu máy bay riêng chính là Công tử Bạc Liêu.

Được biết, đây là loại máy bay 2 cánh quạt, 2 chỗ ngồi của một hãng máy bay Pháp. Tại thời điểm mua, chiếc máy bay này có giá vài chục triệu đồng Đông Dương, tương đương với khoảng hơn 100 cây vàng.

Khi máy bay còn chưa chuyển về nước, vào ngày 24/6/1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã giật tít trang đầu: “M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède un avion et il aménager une piste d atterrissage sur sa propriété à Camau” (Tạm dịch: Ông điền chủ Trần Trinh Huy sắm một chiếc máy bay và xây đường băng trên đất của mình ở Cà Mau).

370720542_1013860389933324_7788371116724063076_n

Sự kiện sở hữu máy bay riêng lúc đấy đã chấn động cả nước. Xa xỉ hơn nữa là Công tử Bạc Liêu dùng máy bay đó đi thăm ruộng và phục vụ các cuộc phiêu lưu của mình. Công tử Bạc Liêu cũng là người miền Tây đầu tiên đi chiếc Chevrolet, chưa ai có ở Nam Kỳ”.

Vị thiếu gia này thường dùng chiếc Ford Vedette đi đòi nợ các tỉnh, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922, chiếc xe này tại thời điểm đó trên toàn Việt Nam mới chỉ có 2 chiếc, một chiếc của vua Bảo Đại và chiếc còn lại chính là của Trần Trinh Huy.

372392011_837526867638348_8606167748291048009_n

Những cuộc ham vui dường như chưa dừng lại khi ông Trần Trinh Trạch mất vào năm 1942, tài sản được chia đều cho các con. Tuy vậy, Trần Trinh Huy có tài ăn chơi phung phí chứ không có tài làm ăn như cha mình. Đến những năm 1960, cải cách điền địa diễn ra khiến ruộng đất của gia đình mất đi không ít. Chẳng mấy chốc công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy rơi vào cảnh khánh kiệt, bỗng chốc phải sống nghèo khó, thậm chí phải trôi dạt tứ phương, làm đủ thứ nghề để mưu sinh.

Với một núi tài sản do ông Trần Trinh Trạch để lại ước tính tương đương trên 5 tấn vàng, Công tử Bạc Liêu tha hồ hoang phí suốt cuộc đời, đến khi ông lìa đời, khối tài sản ấy cũng vừa cạn.