Ở Tây Ninh, có miền quê nào “địa lợi” như xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Vâng! Trước mặt là đường Xuyên Á thênh thang nối TP. Hồ Chí Minh – Phnom Penh, chỉ cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài có vài cây số. Sau lưng là những kênh rạch miên man nước chảy ra sông Vàm Cỏ Đông. Từ đường Xuyên Á ở An Thạnh có lối rẽ đưa ta về các xã cánh Tây huyện Trảng Bàng, trong đó, Bình Thạnh có ngôi tháp cổ tuổi ngàn năm vẫn tươi thắm màu gạch đỏ.
Rồi Phước Chỉ, Phước Lưu vẫn còn ấp ủ trong lòng đất các di tích cổ thời kỳ văn hoá hậu Óc-eo. Cũng từ đây, ta có thể dễ dàng tìm đến các địa danh của miền đất Ngũ Long lịch sử là những Tiên Thuận, Lợi Thuận hay Long Chữ, Long Giang…
Từ đây, chỉ chạy xe máy vài chục phút là đã có thể đến mua sắm ở chợ Cầu- ngôi chợ cổ nhất vùng làng tổng xưa Giai Hoá. Hay cũng có thể về thẳng cầu Bến Đình thắp hương miếu Bà, rồi qua cầu về miền đất cổ Cẩm Giang.
Nhà bia liệt sĩ An Thạnh.
Có phải do “địa lợi” đã kết hợp với “nhân hoà” làm nên niềm tự hào của người An Thạnh? Sách “Truyền thống cách mạng xã An Thạnh (1945-1975)” của Đảng bộ xã in năm 2010 có đoạn mô tả quê hương thời xa xưa còn trong ký ức người già. Đấy là: “vùng đầm lầy, sông rạch; ở giữa có một gò cao, có nhiều cây dầu (có cây rất lớn 3-4 người ôm), bên cạnh có con sông rộng, nước chảy êm đềm trong mát quanh năm. Phong cảnh hữu tình, thiên thời địa lợi…”.
Vâng, ký ức này đúng quá! Khi ta liên hệ với những điều được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn. Đoạn viết về rừng Quang Hoá ở phía Tây huyện Quang Hoá (hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông- TV). Đấy là vùng có: “Gò đồi trùng điệp, rừng rú liền dăng, cây cối cao lớn chọc trời, rậm rạp hàng vài trăm dặm, thợ xẻ, thợ mộc dựng lều cắm trại để đẵn gỗ hoặc lấy dầu rái, nhựa trám, mây song, mây nước, cùng là săn bắn thú rừng, mối lợi rất rộng”.
Dấu vết rừng già Quang Hoá vẫn còn đến ngày nay ở một vài địa danh thuộc An Thạnh. Như xóm Bà Đao, mà theo sách đã dẫn thì đúng ra là Bà Đau: “Tên gọi… xuất phát từ cơ sở ấp Bà Đau là ấp dựa vào con rạch có nhiều cây mây nước, mà tiếng người Khmer gọi là “Phrech B’dau…”. Sau ngày giải phóng, ta đổi tên ấp Bà Đau là ấp Chánh, còn tên rạch vẫn gọi là rạch Bà Đau…”. Thêm một lần “đọc trại” nữa là thành Bà Đao như nhiều người đã quen gọi.
Rạch Bà Đao vẫn còn kia, bập bềnh trôi nổi lục bình. Bên xóm dân cư trước bến là những bụi cây gừa lão xoã xượi râu tóc ngả nghiêng trên mặt nước. Bên kia vẫn um tùm lùm bụi, gừa, chuối chen nhau, tràm nước vươn cao giăng díu bụi tơ hồng. Chẳng biết có còn loài mây nước đã làm thành tên của bến sông.
Ở ngã ba trước bến nước ấy bây giờ thường chỉ có độc nhất một ghe chài của một nhà ai đang thả lưới. Đìu hiu và quạnh vắng. Nhưng chắc chắn đã có thời nơi đây từng đông vui “trên bến dưới thuyền”, vì sách viết: “Địa thế của rạch theo dọc hai bờ là ruộng hoang, cây cối um tùm rậm rạp nối tiếp nhau tạo thành địa thế rất thuận lợi, là chỗ dựa cho cán bộ ta ẩn náu hoạt động trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Nơi đây đã có biết bao thế hệ người dân An Thạnh không quản ngại gian khổ, hy sinh nuôi giấu, đưa rước cán bộ và bộ đội qua lại từ sông Vàm Cỏ Đông về chiến khu Bời Lời như gia đình ông Lê Văn Chấm, ông Bảy Trăm, ông Ba Cộng, ông Út A, ông Ba Lý…”. Cũng cần nói thêm, sách in năm 2010 nên chưa cập nhật kết quả thám sát khảo cổ trên gò Bà Đao.
Theo đó, các nhà khảo cổ của Viện KHXH vùng Nam bộ và Bảo tàng tỉnh đã đủ các yếu tố để kết luận rằng: “Di tích gò Bà Đao là một di tích cư trú thuộc thời kỳ tiền sử… hiện vật thu được như các loại rìu đá, đục đá, các loại gốm cổ…”. Đối chiếu với kết quả khảo cổ tại nhiều địa điểm thuộc miền Đông Nam bộ thì: “Di tích gò Bà Đao rất có thể có niên đại gần 3.000 năm cách ngày nay” (Báo cáo khoa học: Điều tra, xác định và đề xuất… của Bảo tàng tỉnh năm 2011).
Thông tin này sẽ làm người An Thạnh càng thêm tự hào về quê hương, như họ đã từng tự hào về những cái tên mộc mạc hiền lành của An Thạnh. Mỗi cái tên ấy đều có sắc thái riêng, từng: “đã ăn sâu vào tâm khảm… bình dị như cây cỏ, chất phác và mộc mạc như cuộc sống của họ vậy…” (Sđd).
Hãy tìm hiểu tiếp về các địa danh An Thạnh. Như ở ấp Voi mà theo chuyện xưa kể lại là “có nhiều voi đi qua và để lại nhiều vết tích. Theo quan sát của các nhà Địa lý học bấy giờ, đất An Thạnh nằm trong vùng đất “đầu rồng, đuôi voi” hứa hẹn sự sung túc, hoá rồng trong lương lai: “đầu rồng” thuộc địa phận ấp Chánh- ấp trung tâm An Thạnh (xưa là ấp Bà Đau-Đao), còn “đuôi voi” lại thuộc ấp Voi. Chính ở cái ấp “đuôi” ấy lại lưu giữ được rất nhiều trầm tích của rừng xưa Quang Hoá.
Là bởi ấp Voi có hai địa danh rất gắn bó với người An Thạnh: “Đó là gò Ông và bưng hoang. Trước đây xung quanh gò Ông bao bọc bởi các ngọn rạch, bưng sình hoang vu. Ở về hướng Bắc của gò… là bưng nhỏ. Ở về hướng Nam của gò có khoảng bưng mênh mông gọi là bưng lớn.
Trong bưng có nhiều đưng bàng dày dặc và có nhiều tràm rừng, hương tràm gọi chim đến làm tổ- đặc biệt ở đây có nhiều loài dơi, trong đó có loài dơi lửa, đây là loài dơi quý, mình nhỏ nhưng đầy lông màu đỏ chót trông rất đẹp mắt. Trên gò có nhiều loại cây rừng như chuối, đậu, búng, cẩm lai, trôm…
Chung quanh gò có nhiều lau, sậy, đế… um tùm, các loài động vật hoang dã như: chim chóc, chồn, thỏ, trăn, rắn, rùa… tìm về trú ngụ. Gò Ông có 3 cây đa cổ thụ, có cây nhiều rễ phụ bám vào thân thành một gốc lớn, nhiều người ôm không giáp. Ba cây đứng ba gốc cao khoảng 60m, tán cây phủ giáp nhau, cành lá sum suê toả ra che mát một vùng đất rộng lớn khoảng 400m2, tạo thành một không gian vừa mờ ảo vừa âm u linh thiêng và huyền bí…
Còn khu vực bưng hoang thì rộng lớn (gần 440 mẫu), đất sình lầy phèn mặn… Trước đây, nó là một khu rừng nhưng do sự biến chuyển của thiên nhiên lâu đời tạo thành bưng cỏ năn, đưng, bàng xen kẽ…”. Bằng chứng là từ những năm trước 1940, bà con còn tìm thấy những cây lục dài tới 5-6m vùi sâu dưới đất đồng bưng…
Sách cũng kể về nguồn gốc những dân cư đầu tiên của An Thạnh. Đấy là thời: “giữa thế kỷ XVII thời Trịnh Nguyễn phân tranh… Trong số lưu dân ngược sông Vàm đi lên phía Bắc khai hoang mở đất có 16 gia đình ở làng Nhật Tảo (Cần Giuộc, Tân An)… dừng chân tại đây và lập làng, đặt tên là Gò Dầu thượng”. Vấn đề này có lẽ cần xem xét lại, bởi chưa thấy tư liệu lịch sử nào nói tới. Cũng không phải là: “ngày 5.6.1871, toàn quyền Pháp ở Đông Dương ký quyết định thành lập tỉnh Tây Ninh… Và làng Gò Dầu thượng được chính thức mang tên An Thạnh…”.
Các tài liệu lịch sử gần đây đều đã minh định đến năm 1900 mới thành lập tỉnh Tây Ninh. Còn An Thạnh, thật ra đã hình thành, từ xa hơn trong quá khứ. Một tài liệu rất đáng tin cậy là sách Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ- (Nguyễn Ngọc Tư- NXB Chính trị Quốc gia, 2008) tại trang 88 có mục từ An Thạnh.
Đó là: “Thôn thuộc tổng Mỹ Ninh, h. Quang Hoá, p. Tây Ninh, t. Gia Định từ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) do Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực lập. Trải qua triều Tự Đức đến đầu Pháp thuộc đặt thuộc hạt thanh tra Trảng Bàng, rồi Tây Ninh. Từ 5.1.1876 gọi là làng thuộc Hạt tham biện Tây Ninh… Thập niên 1920 thuộc quận Trảng Bàng. Sau 1965 đổi thuộc quận Gò Dầu Hạ…”. Năm 2020 cũng là năm thứ 175 cái tên An Thạnh được sinh ra.