Đó là biểu tượng! Còn trong thực tế, qua lời kể của các nhân chứng thì chiến sĩ núi Bà chủ yếu phải luồn qua từng hốc đá. Có vọt lên truy kích địch thì cũng phải chạy thật nhanh qua những bãi đá ngổn ngang để tới hang hốc tiếp theo, lợi dụng địa hình mà tiến đánh kẻ địch thường cũng lẩn lút ở hang hốc bên kia. Ông Trần Lê- một “nhân chứng lịch sử” còn kể, có khi ta ở hang bên dưới thì địch ở ngay mỏm đá phía trên, cách nhau chỉ vài ba thước. Hai bên có thể nói chuyện binh vận hay… mắng mỏ, thách thức nhau.

Anh nào nóng mặt không chịu được, lộ mặt ra trước có thể chịu ngay một làn đạn sát sạt. Vì thế, chuyện sống chết cũng là chuyện “thường tình” ở núi. Những người cựu chiến binh núi Bà còn sống có thể chưa tập hợp được đầy đủ tư liệu về cuộc chiến ở núi nhưng họ không hề quên các đồng đội đã hy sinh. Tổng kết lại, Liên đội 7 anh hùng đã mất tới 64 cán bộ, chiến sĩ. Và Tiểu đoàn 47 Trinh sát- đơn vị chủ công tiến đánh căn cứ địch ở núi Bà đầu năm 1975 cũng có 67 người đã trở thành liệt sĩ.

Để có được chiến thắng oanh liệt, cán bộ chiến sĩ của Miền cũng không bao giờ quên những người Tây Ninh yêu núi và quyết tâm giành giữ núi. Đó là lực lượng vũ trang Tây Ninh và huyện Toà Thánh. Cuốn Lịch sử tiểu đoàn 47… có viết: “Ngày 28.2.1975, Tiểu đoàn trinh sát 47 Miền bàn giao cứ điểm núi Bà Đen lại cho Tiểu đoàn 14 Tây Ninh để tiếp tục tham gia chiến dịch Giải phóng miền Nam…”.

Vâng! Quan trọng là thế nên những chủ nhân mới của núi đã phải gồng mình, đổ bao xương máu để mà giữ núi. Suốt trong hơn ba tháng sau đó, lực lượng Miền và quân dân huyện Toà Thánh đã kiên cường bám trụ, đánh bại ba lần mưu toan chiếm lại núi của quân đội Sài Gòn. Lần một là ngay ở tháng đầu năm. Sách “Truyền thống cách mạng của quân dân Hoà Thành” viết: “Riêng khu vực núi Bà, có ngày địch sử dụng cả trên ngàn quả pháo và bom các loại để đánh phá. Đồng thời đưa cả liên đoàn biệt kích 81 dù lên tham chiến hòng chiếm lại cứ điểm quan trọng này… Mọi cố gắng của chúng đều vô hiệu” (trang 270).

Sang tháng 2.1975: “Với sự cố gắng tuyệt vọng địch đưa ba tiểu đoàn của sư 25 cùng hai đại đội bảo an có nhiều xe tăng phi pháo yểm trợ của cuộc hành quân lớn vào vùng núi Bà hòng tái chiếm lại cứ điểm bị mất nhưng cuộc càn này cũng bị quân dân huyện Toà Thánh đánh bại” (trang 275). Rồi đến “đầu tháng 3.1975 không thể chịu đựng được tình trạng mà mọi hoạt động ở thị xã và vùng xung quanh thị xã liên tục bị pháo ta khống chế từ đỉnh núi Bà, địch quyết tâm tổ chức cuộc càn quét quy mô để tái chiếm núi Bà lần thứ ba. Chúng dùng 3 tiểu đoàn của trung đoàn 46, 49 thuộc sư 25 phối hợp với liên đoàn 81 biệt kích dù, với sự yểm trợ tối đa về phi pháo…

Địch chia làm hai mũi: một từ lộ 4 tiến vào và một mũi từ lộ Bình Dương ra. Sau hơn 10 ngày phản kích ác liệt địch vẫn không thực hiện được kế hoạch tái chiếm, cuối cùng phải chốt cụm lại ở khu vực Sân Bia và mạch nước Hai Tùng để bao vây lực lượng bám trụ của ta ở núi…” (trang 280). Nhưng cũng chẳng được bao lâu, vì: “ở Ninh Thạnh, du kích dùng cối 60 pháo kích bọn chốt đóng bao vây núi ở Sân Bia và vườn cao su Phước Thành, gây rối loạn đội hình địch…” (trang 284).

Và tiếp theo đây là trang viết của nhà báo Đinh Phong, trong bài ký “Đường lên núi Bà” viết ngay trong tháng 1.1975, in trong sách “Tây Ninh những chặng đường vàng son” do ban tổ chức cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật Tây Ninh năm 1995 xuất bản.

Tận mắt chứng kiến sự thất trận của quân đội Sài Gòn lúc ấy, ông viết: “tên nào tóc tai cũng dài, râu ria tua tủa người hôi hám, áo quần tơi tả. Một tên lính còn trẻ, chân đi khập khễnh được chiến sĩ giải phóng dẫn đi cho một điếu thuốc, anh ta phân trần: “Đã hai tháng nay bọn em không có nước tắm, không có giờ hớt tóc”, anh ta khép kín hai chân, mặt đỏ ửng: “chạy trốn mấy ngày trong núi bọn em nhịn đói nhịn khát lê lết trên các mỏm đá, chui nhủi vào các bụi cây nên quần áo bị mài mòn rách nát”. Đó là binh nhì Đinh Văn Tường số quân 54/706943 thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 314 Bảo an. Tường còn kể, bọn chỉ huy Đại đội 3 xin Tiểu khu Tây Ninh cho rút nhưng chúng không cho. Ngày 4.1.1975, bọn sống sót rút lén nhưng tụi ở Tiểu khu Tây Ninh theo dõi bộ đàm biết được cho pháo bắn chặn đường, chúng phải quay lại…”.

Những hình ảnh nhà báo Đinh Phong đã kể khác nào cảnh hỗn loạn của quân đội Sài Gòn trên các đường tháo chạy ở quốc lộ 19, quốc lộ 1 chỉ vài tháng sau, kể từ chiến dịch Buôn Mê Thuột ngày 10.3.1975. Xa hơn, có thể liên hệ với tình cảnh quân Pháp ở Điện Biên Phủ gần 21 năm trước- vào những ngày đầu tháng 5.1954. Để thấy rằng ở núi Bà Tây Ninh vào tháng 1.1975 cũng có một sự kiện lịch sử đáng ghi nhận trên trang sử vàng của đất nước.

Cán bộ Văn hoá cùng ông Trần Lê (người thứ hai từ trái sang) khảo sát Di tích căn cứ Liên đội 7.
Để có được chiến thắng vẻ vang ấy, còn có lòng dân Tây Ninh yêu núi và giữ núi, trong đó có các tu sĩ ở núi Bà Đen. Trong trí nhớ của ông Trần Lê, vẫn còn nguyên những hình ảnh các nhà sư và Phật tử núi Bà giã gạo trong đêm khuya vắng để cung cấp cho chiến sĩ của Liên đội 7. Như cô Mười chủ chùa lớn (chùa Bà), thầy Hai và cô Ba Na ở chùa chính, cô Hai chùa Hang và cô Năm Nghĩa (nay là ni trưởng Viện chủ các chùa núi Bà Đen).

Cho dù từ năm 1970, địch đã dồn đuổi các sư, vãi về phố, rồi oanh kích đánh tan nát chùa Bà… thì từ chùa Vĩnh Xuân (phường 1, TP. Tây Ninh hiện nay), các cô vẫn lén lên núi, mượn cớ trông coi rẫy để tiếp tế cho quân giải phóng. Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa vẫn còn nhớ như in buổi sáng ngày 30.4.1975 cũng là ngày bà định lên chùa.

Nhưng ngoài đường Gia Long có tiếng ai đó reo lên: “Sài Gòn đầu hàng rồi!”. Thế là bà quăng xe ngay trước cổng chùa Vĩnh Xuân, chạy ra đường Gia Long để chào đón quân giải phóng. Bà đâu có ngờ rằng chỉ ba tháng 24 ngày sau trận đánh giải phóng núi Bà Đen hồi đầu năm đã diễn ra chiến dịch giải phóng Phước Long, tiếp theo là chiến dịch Tây Nguyên để tới chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.