Đã “thừa vú” mà còn thêm cái tội “ba chân” nữa thì dưới con mắt của nhiều người chăn nuôi nó chỉ là cái thứ bán như cho mà cũng ít ai dám mua. Chỉ trừ một vài gia đình quá khó khăn mới làm liều rước nó về nhà. Đó là trường hợp của gia đình tôi khoảng năm mươi năm về trước.
Còn “nó” ở đây là con heo nái đã từng gắn bó với tuổi thơ của anh chị em tôi. Trong những ngày cận tết, sau cái đại dịch tả heo châu Phi, giá thịt heo leo thang chóng mặt, tôi chợt nhớ đến con heo nái ba chân từng là “ân nhân” cứu khổ cho gia đình tôi.
Giờ nhớ lại chuyện cũ, tôi kính cẩn nghiêng mình bái phục sức chịu đựng của ba tôi. Mới ngoài bốn mươi tuổi, ba liên tiếp đón nhận những tai hoạ đớn đau nhất của con người. Trong khi cuộc sống của đại gia đình tôi đang yên vui, đầm ấm thì một quả bom của giặc Mỹ bắn ngay vào nhà làm ông nội và chú út tôi chết tại chỗ, bà nội tôi bị thương nặng.
Trong lúc chăm sóc mẹ chồng bị thương tật, mẹ tôi lâm bệnh nặng, ba tôi hết lòng lo chạy chữa. Nhưng mẹ tôi không khỏi và bà đã vĩnh viễn ra đi, khi chưa đến bốn mươi tuổi. Mẹ ra đi để lại ba đứa con nhỏ và tài sản có giá trị duy nhất lúc đó là con bò cái. Trong lúc mẹ tôi bệnh, ba lén kêu lái bán con bò này, để lấy tiền chạy thuốc thang.
Khi lái đến nhà dắt bò, mẹ tôi biết được, gượng ngồi dậy, hết lời cản ngăn. Chắc biết bệnh mình không thể chữa trị được, nên mẹ doạ ba: “Ông mà bán con bò là tui cắn lưỡi chết liền, không kịp mua thuốc cho tui đâu. Hãy ráng nuôi nó mà lo cho các con!”. Nghe mẹ tôi nói vậy, mắt ba đỏ hoe, còn người lái bò cũng đành lấy lại tiền cọc và ra về.
Sau đó vài ngày, mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng. Vậy mà ông trời vẫn chưa chịu buông tha cho ba tôi, “ổng” chơi thêm cho ba tôi “một cú” nữa. Mẹ mất chưa đến ba tháng, con bò đang khoẻ mạnh lại ngã bệnh vài ngày rồi chết theo mẹ. Từ đó, ba thành kẻ trắng tay, cố gượng đứng lên, làm thuê đủ việc để nuôi mẹ già thương tật và ba đứa con thơ.
Thấy cái chuồng bò bỏ không, anh chị em tôi mơ ước có được con bò khác để chăn nuôi. Nhưng làm sao ba mua nổi con bò. Thấy bà con hàng xóm nuôi heo cũng vui vui, chị Hai tôi (lúc ấy khoảng 11-12 tuổi) kêu ba mua heo con về nuôi. Chạy ăn hằng ngày còn chưa đủ lấy tiền đâu mà mua heo, nhưng thấy con còn nhỏ biết lo chuyện nhà, thương con, ba hứa với chị Hai “Ờ! Để bữa nào rảnh rảnh, ba lên dì Năm bây, coi có con heo con nào xấu xấu, ba năn nỉ bán chịu một con về cho bây nuôi!”.
Rồi một ngày cận tết, không ai thuê mướn, ba “rảnh rảnh” thả bộ lên nhà dì Năm (chị ruột của mẹ tôi) xem có con heo nào xấu xấu mà mua chịu. Lúc ấy, nhà dì Năm tôi có một con heo nái đẻ rất sai. Lứa nào cũng đẻ hơn một chục con. Có lứa lên đến 13-14 con. Do số lượng heo con đẻ ra, nhiều hơn số vú của heo mẹ, mấy con đẻ sau không có vú bú nên được gọi heo “thừa vú” (theo tôi gọi heo thiếu vú thì đúng hơn).
Do không được bú sữa mẹ đầy đủ như những con heo khác trong bầy, con heo thừa vú thường bị “đẹt” nhất bầy. Đúng như dự định của ba, lứa heo lần đó, nhà dì Năm có con heo thừa vú “đẹt ngắt”. Nhưng nó không phải “xấu xấu” mà là “xấu tệ”. Bữa phá bầy (bán heo con), lái heo cạch mặt con heo thừa vú này. Lái chê không chỉ vì heo đẹt mà còn sợ xui nữa vì nó có ba chân.
Gọi là heo “ba chân” không phải nó dị dạng, hay què cụt một chân, nó vẫn đủ 4 chân và đi lại bình thường. Nhưng trong 4 chân ấy có một chân khác màu. Con heo thừa vú, đẹt ngắt của dì Năm lúc ấy là heo cò, có 3 chân lông trắng và một chân lông đen. Loại heo ba chân rất ít người dám mua nuôi vì sợ xui. Đối với ba tôi lúc ấy đến tột cùng sự đau khổ và nghèo khó rồi còn sợ gì nữa.
Thế là ba hỏi mua chịu con heo con thừa vú ba chân của dì Năm. Cho không thì tiếc, mà bán thì kỳ, để nuôi thì không tiện… sau một lúc lưỡng lự, để có sự sòng phẳng (không ai nợ ai), dì Năm kêu ba bắt heo về nuôi, với điều kiện ba làm trả công cho nhà dì mấy ngày.
Thấy ba ôm con heo về, chị em tôi mừng húm, nhất là chị Hai tôi. Chị lăng xăng chạy đi tìm sợi dây dù cột vào chân của con heo, rồi ôm ra cột trong chuồng bò. Chị đi kiếm dụng cụ đựng thức ăn, lo nấu cháo… Bị anh chị trong bầy ăn hiếp, bị chủ cũ hất hủi, giờ được chị em tôi thương yêu chăm sóc cẩn thận, con heo ngoan hiền như một con chó con.
Hồi đó chưa có thức ăn công nghiệp như bây giờ, khi heo còn nhỏ, hằng ngày chị tôi nấu cháo cho heo ăn. Heo được vài tháng, chị lấy nước vo gạo và cám chà lúa, cùng với cơm thừa, canh cặn chứa trong tĩn (dụng cụ đựng nước nắm trước đây) dành cho heo ăn. Khi heo trưởng thành, chị em tôi ra rạch vớt rong về bằm ra trộn cám cho heo ăn.
Vào mùa nắng, nước dưới rạch cạn, không còn rong nữa, chị em lại rảo trong xóm xin chuối cây (loại chuối người chặt buồng rồi, đốn bỏ cây) về xắt ra, băm nhỏ trộn cám cho heo ăn… Được chị em tôi chăm sóc tốt, heo đẹt lớn nhanh thành heo nái. Cũng giống như mẹ nó, heo nái nhà tôi đẻ rất sai và nuôi con rất khéo, không bao giờ đè chết heo con… Nhờ vậy mà mỗi lần heo đẻ, ba tôi không phải thức suốt đêm canh chừng như những người nuôi heo khác. Heo mẹ khoẻ đẻ heo con mạnh khoẻ, heo con nhà tôi rất ít khi “trở máng” (tiêu chảy), lớn nhanh và bán được giá cao.
Con heo “thừa vú ba chân” gắn bó với gia đình tôi nhiều năm liền. Mỗi năm heo đẻ được 2 lứa, mỗi lứa hơn chục con. Nhờ vậy gia đình có nguồn thu nhập đáng kể, anh em có điều kiện cắp sách đến trường. Cũng từ tiền bán heo con, ba tôi dành dụm mua lại được con bò cái. Vừa nuôi heo nái, rồi nuôi bò cái sinh sản… ba tôi tích luỹ dần cũng mua được ruộng. Có ruộng, cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định. Sau đó, ba xây được căn nhà kín đáo, sạch sẽ không lo mưa dột, gió tạt… Tất cả được bắt đầu từ một con heo con thừa vú ba chân mà ba đổi bằng mấy ngày công lao động.