Dù bị ngã trên đường vào làng dạy học khiến cả người và xe đều bê bết đất bùn, cô giáo vùng cao vẫn không quên nở nụ cười lạc quan và kịp lưu giữ lại khoảnh khắc đáng nhớ của năm học “đặc biệt” này.

Nụ cười tươi tắn, lạc quan của cô giáo vùng cao khi bị ngã xe trên hành trình gieo con chữ

Làng Tốt là điểm trường thuộc xã Ba Lế – điểm trường xa bậc nhất của huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Thường ngày, các thầy cô giáo tại điểm trường này phải di chuyển quãng đường cực kỳ khó đi để đến được nơi làm việc. Cung đường chỉ có một lối mòn khá nhỏ, phần lớn là những con dốc dựng ngược, chỉ một trận mưa là nhầy nhụa, trơn trượt đến mức những tay đua địa hình chuyên nghiệp cũng phải dè chừng, nhưng nó lại là “chuyện thường” với các cô giáo ở đây.

Cô giáo Nguyễn Thị Trang (Trường tiểu học và THCS Ba Lế, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) ngã xe trên hành trình gieo chữ khiến mọi người vừa cảm phục vừa xúc động.

Những ngày này, dân mạng lan truyền loạt ảnh cô giáo Nguyễn Thị Trang (Trường tiểu học và THCS Ba Lế, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) ngã xe trên hành trình gieo chữ khiến mọi người vừa cảm phục vừa xúc động.

Điều đáng nói là, dù bị ngã lấm lem bùn đất, cô giáo Trang vẫn nở nụ cười tươi rói. Cô chia sẻ chuyện đi xe té ngã là bình thường của giáo viên miền núi như cô, nhất là lúc vào các điểm trường xa xôi khi mùa mưa đến.

Cô giáo Trang bị ngã xe khi đang trên đường đến điểm trường Làng Tốt (xã Ba Lế, huyện Ba Tơ) để giao bài và kiểm tra việc học của học sinh.

Cô chia sẻ loạt ảnh trên kèm dòng trạng thái hóm hỉnh trên trang cá nhân: “Ròm vừa mới tới nơi, phụ huynh vui tính bảo: Cô lên tới đây được hả, chân cô ngắn mà sao tới hay thế!

Eo ơi, Ròm nở cái lỗ mũi to ơi là to, định nói “Cô tay lái lụa mà”. Nghĩ khiêm tốn tí nên không có nói, đáp lại bằng nụ cười thật tươi. Hên là chưa nói tay lái lụa chứ không thấy cảnh này ngại chết đi mất!

Cung đường mang tên “Làng Tốt” nhưng nó không giống cái tên tí nào cả. Mấy em ơi, có thương cô Ròm thì hoàn thành giúp cô mấy nội dung cô giao nhé!”

Cô giáo Trang không thể ngờ, sau khi câu chuyện ngã xe trên đường vào làng gieo chữ của cô được chia sẻ lên trang cá nhân, dân mạng đã dành sự quan tâm đặc biệt với số lượt tương tác cực kỳ lớn.

Danh hiệu “cô giáo siêu nhân”, “cô giáo lạc quan nhất quả đất” được nhiều người dành tặng cô.

Đi làm từ sáng sớm, trở về khi trời đã tối mịt, theo cô Trang những hình này là rất đỗi bình thường đối với các thầy cô giáo vùng cao

Cô tâm sự, bản thân không mảy may nghĩ đến việc “kể công”, ngược lại hơn ai hết cô hiểu rằng hình ảnh trèo đèo, lội suối vào bản dạy học đối với các thầy cô giáo vùng cao là “chuyện thường ngày ở huyện”.

“Hôm đó đi làm về lướt sơ sơ thấy quá trời tin nhắn. Mình bất ngờ lắm, không biết nói gì hơn ngoài hai từ “Cảm ơn”, cảm ơn mọi người đã ghi nhận, động viên chia sẻ với mình.

Những ai đã từng tiếp xúc thì biết mình hay cười lắm, nên hôm đó dù ngã xe vẫn cười tươi vui vẻ, lạc quan thôi.

Và mình chỉ là hạt cát nhỏ trong vùng sa mạc rộng lớn, là giáo viên miền núi ai ai cũng đều như vậy, có nhiều thầy cô còn trải qua gian khổ hơn mình nữa, để mà đếm số lượng các thầy cô ấy chắc liệt kê cả tháng cũng không kể hết tên.

Vì là năm học “đặc biệt” nên mình chỉ muốn lưu giữ hành trình đáng nhớ này, cũng mong lan tỏa chút năng lượng tích cực trong thời điểm có thể nói là đầy thử thách của nước nhà, chứ không có mục đích gì khác”.

Chia sẻ khoảnh khắc chân thật, nhỏ bé nhất và theo cô Nguyễn Trang là “rất thường” trong cụm từ “Nghề giáo vùng cao” – cô giáo Trang đã khiến nhiều người cảm phục xen lẫn xúc động.

Hành trình 12 năm “cõng chữ” lên núi và những niềm vui giản dị mà cao quý

Cô Nguyễn Trang tâm sự, cô có thâm niên công tác tại xã Ba Lế đã 12 năm. Đi đường vài bận, hôm bị ngã, hôm hỏng xe nhưng cô Trang xem mấy sự cố đó là “chuyện thường”. Được người ta giúp sửa thì cô lại leo lên xe đi tiếp, không thì vứt xe đó, cô đi bộ. Đi dạy gần 12 năm, đã 3 lần cô phải thay xe. Chiếc xe chụp trong bức ảnh cô ngã mới mua cách đây không lâu.

“Hồi năm 2010, mua cái xe Trung Quốc, hồi đó mình đâu có tiền. Mà đi dạy, cái đường đó lầy, ngã rớt điện thoại lúc nào không hay. Cả tuần đó gia đình liên lạc hoài không được nên lo sốt vó. Hôm nào xe hỏng đành bỏ đó, rồi đi bộ. Có người đi đường, họ biết sửa thì còn giúp, không thì mình đành kêu thợ dưới trung tâm lên”, cô Trang tâm sự.

“Đối với người khác, có thể “thành công” là một cái gì đó to lớn hay cao sang lắm, với mình thì đơn giản hơn, thấy tụi nhỏ hợp tác, biết bản thân phải thực hiện nhiệm vụ, có cái màu chữ tim tím, xanh xanh trong trang vở nộp cho cô… là đã “thành công” và vui lắm rồi.

Mà ai nói cô giáo miền núi khổ, hôm mình vào điểm trường hướng dẫn các em học, phụ huynh thấy mình là í ới gọi: Cô ơi vô xem cái quyển vở con em làm đúng hay sai, chỉ giúp em với, em không chỉ được. Ok chờ cô xí…

Cô ơi, cầm lon bò húc uống cho khoẻ, nay cô không uống là chị giận á, mời liên tiếp mấy bữa mà cô cứ từ chối, thế là phải nhận với sự biết ơn phụ huynh vô cùng… rồi đến bữa phụ huynh nấu cơm mời cô ăn luôn, vui và ấm áp lắm” – Cô Trang chia sẻ thêm.

Niềm vui của cô giáo Trang là khi chứng kiến học trò tiếp thu tốt bài giảng, khi được nhận tình cảm nồng ấm mà phụ huynh và các em dành cho mình

Được biết, năm học này cô và trò tại điểm trường Làng Tốt càng vất vả hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Nhiều tỉnh thành phải dạy học trực tuyến, trong khi học sinh miền núi không có máy tính hay điện thoại thông minh, thế là các thầy cô giáo chia nhau vào làng giao bài tập, hướng dẫn và vài ngày sau quay lại kiểm tra việc học của trò, bài nào chưa hiểu thì giảng dạy tại chỗ.

“Bước sang năm thứ 12 cầm phấn, một năm với khá nhiều cái “đặc biệt”. Covid làm đảo lộn quá nhiều thứ, mình thèm nghe tiếng trống trường quá đỗi!

Nếu không có Covid thì có lẽ ngày dạy đầu tiên trong năm học mới, cô trò sẽ chụp với nhau vài tấm ảnh, được nghe tụi nhỏ huyên thuyên kể chuyện mùa hè vừa qua.

Mình tính ít hôm nữa khi vào làng sẽ kiếm khoảng đất trống, cách xa dân cư, mỗi lần đi mang theo tấm bảng vừa đủ, cô trò ngồi học giữa rừng luôn. Vừa bảo đảm an toàn, vừa dạy được các em. Mình không cố gắng, các em tiếp thu không kịp, nản, bỏ học còn khổ hơn” – cô Trang chia sẻ.

Caption

Khi các em không đủ điều kiện học online, cô Trang giao bài rồi lên từng nhà em học sinh để kiểm tra, giảng giải

Trang bảo, cô phải làm mọi cách để tạo động lực cho các em học,chứ bỏ đó, cô không nỡ.

Cô Trang bảo rằng hình ảnh của cô chỉ là một phần rất nhỏ và y hệt nhiều giáo viên cắm bản khác. Năm học này vất vả hơn, cả nước dạy học trực tuyến. Trong khi học sinh miền núi không có máy tính, hay điện thoại thông minh, thế là các thầy cô chia nhau vào làng giao bài tập, hướng dẫn và vài ngày sau quay lại kiểm tra việc học của trò, bài nào chưa hiểu phải giảng dạy.

“Tôi tính ít hôm nữa khi vào làng sẽ kiếm khoảng đất trống, cách xa dân cư, mỗi lần đi mang theo tấm bảng vừa đủ, cô trò ngồi học giữa rừng luôn. Vừa bảo đảm an toàn, vừa dạy được các em. Mình không cố gắng, các em tiếp thu không kịp, nản, bỏ học còn khổ hơn”, cô Trang chia sẻ.

Báo Tuổi trẻ đã liên hệ với nhiều thầy cô ở các điểm trường miền núi khác. Cô Lê Thị Hiệp, giáo viên Trường tiểu học Sơn Tinh, huyện miền núi Tây Trà, tâm sự: “Đây là năm học đặc biệt, chúng tôi phải nỗ lực nhiều. Giáo viên miền núi thường chia sẻ những hình ảnh như thế này để động viên nhau và xem luôn thấy mắc cười bởi có mình trong đó”.

Bọn trẻ đứng chờ cô giáo đến là hình ảnh khiến cô Trang hạnh phúc – Ảnh: NVCC

Các em học sinh được phát bài tập và cô Trang hướng dẫn làm. Vài hôm nữa sẽ lên lại kiểm tra – Ảnh: NVCC

Một học sinh đã chuẩn bị sẵn sàng để cô giáo Trang hướng dẫn học trên chiếc bàn được bố mẹ kê tạm bên sàn nhà – Ảnh: NVCC

Trong muôn vàn khó khăn, nụ cười của giáo viên miền núi luôn khiến mọi người xúc động – Ảnh: NVCC